Cuối tháng 6/2012, đoàn các nhà khoa học do GS Kevin Michael Fitzsimmon-GĐ cơ quan hợp tác nông nghiệp quốc tế, ĐH Arizona (Mỹ) dẫn đầu, đã có chuyến đi thực địa về vùng nuôi tôm tỉnh Sóc Trăng- tâm điểm xảy ra dịch bệnh với diện tích thiệt hại nặng nhất 3 năm qua.
Cần xây dựng lại hệ thống nuôi
Trong chuyến đi lần này các nhà khoa học đã gặp gỡ người nuôi tôm, các nhà nghiên cứu trong nước để tìm hiểu thêm thông tin có liên quan dịch bệnh. Sau tỉnh Sóc Trăng, đoàn sẽ tiến hành thu mẫu, nghiên cứu tại một số tỉnh khác để xác định một số vấn đề đang trong tầm nghi vấn về dịch bệnh, kể cả có hay không tảo độc trong nguồn nước nuôi tôm. Sau đó sẽ so sánh bệnh học ở Việt Nam với một số nước đang có bệnh tôm, đối chiếu với các nghiên cứu của trường để tìm tác nhân gây bệnh.
Diễn biến dịch bệnh nuôi tôm nước lợ năm 2012 ở các tỉnh ĐBSCL vẫn chưa dừng lại, gây thiệt hại nặng nề. Tuy các nhà khoa học đã tích cực vào cuộc nghiên cứu, nhưng do có quá nhiều nguyên nhân và chưa xác định được đâu là tác nhân chính. Theo cơ quan chuyên môn tại địa phương, riêng vùng nuôi tôm Sóc Trăng đang tồn tại 3 vấn đề là: Môi trường bị ô nhiễm khá nặng, chất lượng con giống kém và những xáo trộn do ảnh hưởng biến đổi khí hậu.
Mới đây, tại hội thảo kỹ thuật nuôi ghép và tác dụng phòng dịch bệnh trên tôm nuôi, do Sở NN-PTNT Sóc Trăng và Hiệp hội tôm Mỹ Thanh tổ chức, GS Kevin Michael Fitzsimmon nhấn mạnh: “Thay vì phải đi giải quyết từng loại bệnh, từng vấn đề cụ thể, chúng ta cần có tầm nhìn rộng hơn cho nghề nuôi tôm. Có như vậy, nghề này mới phát triển ổn định và bền vững.”
GS Michael Fitzsimmon trong chuyến khảo sát truy tìm nguyên nhân gây dịch bệnh tôm tại Sóc Trăng
Nuôi tôm nước lợ ở ĐBSCL và một số tỉnh ven biển Việt Nam đang bị tổn thất nặng nề. Tác nhân bước đầu do bùng phát dịch hoại tử gan tuỵ cấp tính. Theo Tổng cục Thuỷ sản, hội chứng hoại tử gan tuỵ cấp tính đã xuất hiện khắp vùng nuôi tôm ven biển 9 tỉnh ĐBSCL vào năm 2010 và đến năm 2011 thì bùng phát thành dịch trên diện rộng, gây thiệt hại hơn 97.000 ha; tập trung nhiều nhất tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre và Cà Mau. Đến năm 2012, dịch tiếp tục diễn ra theo chiều hướng phức tạp hơn khi có đến 20 tỉnh thông báo có dịch, trải dài theo các tỉnh ven biển từ Hải Phòng đến Kiên Giang. Theo thống kê tại 12 tỉnh nuôi tôm trọng điểm, có hơn 38.000 ha tôm sú bị thiệt hại, chiếm 5,9% diện tích thả nuôi và gần 2.500 ha tôm thẻ chân trắng thiệt hại, chiếm 19,6% diện tích.
Hiện nay tại ĐBSCL, Trà Vinh bị thiệt hại nặng nhất với 9.966 ha, chiếm gần 36% diện tích thả nuôi; Sóc Trăng 7.313 ha, chiếm 28,9%. Các kết quả nghiên cứu bước đầu đã đặt nghi vấn vào hoá chất Cypermethrin (có trong thành phần thuốc diệt giáp xác) là thủ phạm chính gây nên dịch bệnh trên. Tuy nhiên, gần đây, khi dịch bắt đầu lan rộng từ Nam ra phía Bắc thì đối tượng nghi vấn cũng được mở rộng sang cả tảo độc, vi sinh vật và cả chất lượng con giống.
GS Kevin Michael Fitzsimmon nhận định: Dịch bệnh xảy ra trên tôm là điều tất yếu và không chỉ ở Việt Nam. Ở các nước nuôi tôm thâm canh cao trên quy mô rộng lớn thuộc Nam Mỹ và Châu Á sau một thời gian dài đã từng xảy ra dịch bệnh gây thiệt hại nặng. Trước mắt, các nhà khoa học Trường Đại học Arizona sẽ phối hợp với cơ quan chức năng, nhà khoa học Việt Nam và người nuôi tôm sớm tìm ra tác nhân gây bệnh hoại tử gan tuỵ cấp tính (EMS) trên tôm nuôi; về lâu dài tỉnh Sóc Trăng nói riêng và Việt Nam cần phải xây dựng lại hệ thống nuôi bền vững thì nghề nuôi tôm mới phát triển ổn định.
Nuôi ghép khả thi
TS Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS II cho rằng: “Nuôi tôm là ô nhiễm nên việc làm cách nào để giảm thiểu mức độ ô nhiễm mới là giải pháp quan trọng, mang tính bền vững”. Theo hướng này, GS Kevin Michael Fitzsimmon đưa ra giải pháp kỹ thuật nuôi ghép. Kỹ thuật nuôi ghép đã được thực hành thành công tại các nước Mỹ La tinh, Đông Nam Á và Châu Phi. Từ kỹ thuật này, các nước trên đã nhanh chóng khắc phục được dịch bệnh, khôi phục lại nghề nuôi. Tại Philippines có mô hình tôm-cá rô phi, Thái Lan có mô hình tôm-cá măng, cua lột, Indonesia cũng nhờ nuôi ghép cá rô phi với tôm đã giảm đáng kể bệnh hoại tử cơ quan tạo máu dưới vỏ.
Có ý kiến cho rằng, khi nuôi ghép năng suất sẽ không cao và hệ số thức ăn sẽ lớn làm tăng thêm chi phí, nhưng GS Kevin Michael Fitzsimmon khẳng định: “Kết quả thử nghiệm (trong điều kiện tối ưu) sử dụng nguồn nước từ ao nuôi cá rô phi để nuôi tôm thẻ chân trắng tại Thái Lan vẫn cho năng suất tôm nuôi đến 20 tấn/ha và cá rô phi 60 tấn/ha”.
“Khi có cá rô phi nhiều sẽ giảm đáng kể vi khuẩn nhóm Vibrio gây hại và bệnh do virus, giảm chất thải rắn, kích thích tảo lục phát triển, nhưng không ảnh hưởng đến sự phát triển của tảo khuê và một số loại tảo có ích khác. Ngoài ra, cá rô phi còn giúp tiêu diệt một số vật chủ trung gian mang mầm bệnh và khi có tôm bệnh chết trong ao được cá rô phi ăn ngay, hạn chế lây dịch bệnh”, GS Kevin Michael Fitzsimmon lý giải. |
Trong kỹ thuật nuôi ghép, nuôi kết hợp, sử dụng nhiều đối tượng nuôi có sức chịu đựng khác nhau như: tôm, cá, cua lột, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, động vật không xương sống, tảo biển… hoặc luân canh, cải thiện môi trường, cải tiến kỹ thuật nuôi, quản lý…Nuôi kết hợp đầu tư ít hơn nhưng lại đa dạng được sản phẩm. Tôm và cá rô phi có một số đặc điểm sinh học tương tự nhau, nên khi nuôi ghép sẽ giúp giảm thiểu dịch bệnh. Một số vùng không còn nuôi tôm được tại một số nước, chỉ sau vài năm nuôi cá rô phi đã có thể nuôi tôm trở lại bình thường.
Hiện nay có nhiều cách nuôi ghép, nuôi kết hợp như nuôi cá trong ao lắng, cá trong lồng, trong dèo hoặc thả chung với tôm trong ao. Người ta có thể dùng nước nuôi cá rô phi để nuôi tôm và nước nuôi tôm để nuôi rong biển (rong sụn) rất hiệu quả, vì rong biển xử lý kim loại nặng rất tốt. Trong những năm xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi, cũng nhờ tăng lượng cá rô phi mà người nuôi ở một số nước đã nhanh chóng khắc phục được dịch bệnh, phục hồi nghề nuôi nhanh chóng. Khi có thả cá rô phi, nghiên cứu thấy có tảo lục trong ao, hạn chế được vi khuẩn gram âm, chất thải rắn.
Ngoài ra, cá rô phi còn giúp khuấy đảo đáy ao, tạo kháng sinh tự nhiên, giúp đáy ao và nguồn nước ao nuôi tốt hơn nên giảm được khuẩn vibrio. Thái Lan cũng là nước sử dụng nhiều cá rô phi nuôi kết hợp để tái sử dụng nước thải từ ao nuôi tôm. Kết quả mô hình này đạt năng suất tôm 3 tấn/ha và 1,5 tấn cá rô phi với tỷ lệ sống đến 90%, nên hiệu quả kinh tế vẫn cao hơn nuôi chuyên tôm. Cả tôm và cá rô phi đều thích ăn mùn bã hữu cơ, nên khi thả chung, chúng có thể xử lý chất thải của nhau.
“Sóc Trăng và vùng ĐBSCL giàu tài nguyên nước, nhưng tài nguyên này không phải là vô tận vì ngày càng có nhiều người sử dụng. Do đó, phải sử dụng lượng nước nhất định, nhưng vẫn tạo ra được nhiều sản phẩm có giá trị. Trường ĐH Arizona đã có nhiều nghiên cứu về cách sử dụng nguồn nước có hiệu quả và sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam về vấn đề này”, GS Kevin Michael Fitzsimmon cam kết.
GS Kevin Michael Fitzsimmon:
Vừa qua Trường ĐH Arizona (Hoa Kỳ) vẫn chưa tìm ra tác nhân gây bệnh từ các mẫu do Việt Nam gửi sang. Có lẽ do công tác bảo quản mẫu trong quá trình vận chuyển chưa được đảm bảo. Nhưng phòng thí nghiệm độc chất môi trường của ĐH Arizona có khả năng phân tích nồng độ độc chất cực thấp, nên nếu có sẽ xác định được ngay để tìm ra nguồn gây độc là do chất hoá học hay sinh học.